7 mẹo lên kế hoạch du lịch tiết kiệm nhưng vẫn vui!

Du lịch tiết kiệm không có nghĩa là phải cắt giảm trải nghiệm thú vị. Bạn vẫn có thể tận hưởng chuyến đi với ngân sách được tối ưu.

Dưới đây là những cách mình hay áp dụng để lên kế hoạch du lịch “on budget”, có thể giảm bớt chi phí mà vẫn đảm bảo sự thoải mái và hài lòng.

1. Lên ngân sách cho chuyến đi

kế hoạch du lịch tiết kiệm

Xác định ngân sách: Bước đầu tiên là xác định tổng số tiền mà bạn có thể chi tiêu và sẵn sàng bỏ ra cho chuyến đi. Có thể có những phát sinh khi đi, nên hãy dự tính luôn phần này nhé (có thể là 10% tổng chi phí).

Việc lên ngân sách này sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu, tránh lãng phí và đảm bảo bạn sẽ ít gặp phải những tình huống tài chính bất ngờ trong suốt hành trình.

Nếu được, hãy có một quỹ du lịch tích lũy trước đó. Điều này giúp không làm ảnh hưởng đến những chi phí tiêu dùng khác. Mình thường bỏ 10% thu nhập hàng tháng vào quỹ để chuẩn bị cho chuyến du lịch tiếp theo. Kể cả khi chưa có kế hoạch du lịch ở đâu nhưng khi cơ hội đến là có nguồn lực để đi được luôn.

Khi có kế hoạch ngân sách rõ ràng, bạn có thể phân bổ hợp lý cho từng khoản như di chuyển, ăn uống, chỗ ở, và các hoạt động tham quan. Hãy xem đâu là điều bạn ưu tiên. Điều này không chỉ giúp kiểm soát về mặt tài chính mà còn tối ưu hóa trải nghiệm du lịch mà không lo phải cắt giảm những điều quan trọng.

2. Lựa chọn thời điểm phù hợp

Thời điểm du lịch không chỉ ảnh hưởng đến giá cả dịch vụ mà còn trải nghiệm du lịch cá nhân. Nếu muốn du lịch tiết kiệm hơn, bạn nên:

  • Tránh mùa cao điểm: Du lịch vào mùa thấp điểm hay du lịch trái mùa có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vé máy bay và chỗ ở. Ví dụ mình thường sắp xếp thời gian đi biển vào tháng 4 để tránh đông đúc và chi phí rẻ hơn, thay vì thời gian tháng 6 đến tháng 8.
  • Tránh các kỳ nghỉ lễ lớn: Chi phí dịch vụ và chỗ nghỉ thường tăng mạnh trong các dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán hay ngày lễ 30/4 – 1/5. Nếu có thể, hãy tránh các khoảng thời gian này để tiết kiệm và có trải nghiệm thư giãn hơn.

Nếu vì những lý do cá nhân nên thời gian du lịch của bạn vẫn vào những ngày nghỉ hay mùa cao điểm, hãy cố gắng lên kế hoạch sớm và chuẩn bị từ trước. Đặt vé máy bay, khách sạn hay các dịch vụ càng sớm, bạn càng có nhiều cơ hội để có mức giá tốt hơn.

3. Lên kế hoạch du lịch trước

Khi đã xác định được địa điểm và thời gian chuyến đi, hãy bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch: Chuyến đi kéo dài bao lâu? Điểm đến là những đâu? Và những trải nghiệm mà bạn muốn thử? Hãy xác định cả những sự ưu tiên của bạn.

Việc lập kế hoạch này sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng những điều cần làm tiếp theo và có thể đặt trước máy bay, khách sạn cũng như các dịch vụ và trải nghiệm theo đó.  

Thông thường, mình sẽ lên kế hoạch và đặt vé máy bay khách sạn trước khoảng một tháng đến một tháng rưỡi.

  • Máy bay: Tìm hiểu vé máy bay càng sớm, bạn càng có nhiều cơ hội mua được giá tốt hơn. Bạn có thể sử dụng các công cụ như Google Flights, Skyscanner hay Traveloka để theo dõi và so sánh vé máy bay.
  • Nơi lưu trú: Khách sạn, chỗ nghỉ cũng sẽ có giá tốt hơn khi đặt sớm. Mình thường đặt sớm trên booking.com và chọn option “có thể hủy miễn phí” để tránh trường hợp nếu có việc đột xuất. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, và chỉ cần chỗ nghỉ ngơi thoải mái, bạn có thể lựa chọn các loại hình như khách sạn bình dân, homestay, hostel hay capsule (dạng khoang ngủ). Ngoài ra bạn cũng có thể cân nhắc Airbnb hay CouchSurfing.
du lịch 1 mình nên đi đâu - travel plan

4. Lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp

  • Lựa chọn phương tiện thay thế: Nếu vé máy bay quá đắt, bạn có thể tìm hiểu cách thức đi bằng tàu hoặc xe khách/ bus đêm. Ví dụ khi di chuyển từ Hà Nội đến Huế/Đà Nẵng, bên cạnh máy bay, còn có xe khách giường nằm và tàu hỏa với mức phí rẻ hơn. Hay khi đi từ Kyoto đến Tokyo, mình đã chọn đi bus đêm thay vì máy bay hay tàu shinkansen, tiết kiệm được chi phí đáng kể.
  • Sử dụng phương tiện công cộng: Tàu, xe buýt, và các dịch vụ xe chung như Grab giúp bạn di chuyển linh hoạt mà không phải chi nhiều tiền cho taxi hay xe riêng. Ở một số nước như Nhật Bản, Đài Loan hay Singapore, phương tiện công cộng khá phát triển và tiện lợi, hãy tận dụng nhé.
  • Thuê xe đạp hoặc đi bộ: Nếu bạn ở trong thành phố, thuê xe đạp hoặc đi bộ là cách tuyệt vời để khám phá các địa điểm gần xung quanh mà vẫn tiết kiệm chi phí, cũng ngắm được nhiều hơn nữa.

5. Ăn uống tiết kiệm nhưng vẫn ngon

  • Trải nghiệm những quán ăn địa phương: Thay vì đến nhà hàng lớn hoặc khu vực du lịch, hãy tìm quán ăn địa phương, chợ đêm để trải nghiệm ẩm thực truyền thống với giá cả phải chăng. Mình khá dễ trong việc ăn uống, thích trải nghiệm những món ăn đặc trưng của vùng nên thấy vẫn luôn được ăn ngon mà chi phí ăn uống cũng không nhiều. Tip của mình là lên google maps, gõ tên món ăn và chọn quán có đánh giá tốt, đôi khi bằng cách này, bạn có thể thấy những quán không quá phổ biến nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
  • Tự nấu ăn: Nếu chỗ ở có bếp, đặc biệt khi đi dài ngày và đã hơi ‘ngán’ ăn ngoài, bạn có thể mua nguyên liệu tại chợ hoặc siêu thị để tự nấu ăn, cũng giúp tiết kiệm chi phí phần nào.

6. Điểm đến với nhiều hoạt động miễn phí hoặc giá rẻ

Không phải những điểm đến miễn phí hay vé vào cửa thấp là những điểm không thú vị! Nhiều công viên, bảo tàng, chùa chiền hay các điểm du lịch tự nhiên đều không thu phí hoặc có giá vé rất thấp, nhưng lại chứa đựng nhiều góc nhìn đáng khám phá về nơi đó. Tham quan các khu vực này sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa địa phương và những khoảnh khắc thư giãn đáng nhớ giữa thiên nhiên hoặc không gian yên bình mà không phải tốn quá nhiều chi phí.

  • Chọn các điểm đến có nhiều hoạt động miễn phí: Tham quan công viên, bảo tàng miễn phí, hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ, leo núi.
  • Tham quan di tích văn hóa, lịch sử: Nhiều địa điểm có vé vào cổng rẻ hoặc miễn phí, bạn có thể tận dụng để khám phá văn hóa địa phương.

7. Chia sẻ chi phí

Chia sẻ chi phí du lịch là cách hiệu quả để tiết kiệm chi phí khi đi du lịch. Nếu bạn có thêm người đồng hành đi cùng, chi phí chỗ ở, phương tiện di chuyển và các hoạt động sẽ được chia đều và chi phí sẽ ít hơn.

  • Du lịch theo nhóm: Nếu đi cùng bạn bè, bạn có thể chia sẻ chi phí phòng khách sạn, phương tiện di chuyển và bữa ăn, điều này giúp giảm chi phí đáng kể.
  • Tham gia các tour ghép: Nếu bạn đi một mình hoặc đi ít người, việc chung tour với người khác sẽ giúp chia nhỏ chi phí hướng dẫn viên và phương tiện di chuyển.

Đó là các cách mình thường áp dụng để tối ưu chi phí cho các chuyến đi. Mình nghe đâu đó rằng: Giá trị thực sự của một chuyến du lịch không nằm ở số tiền bạn bỏ ra, mà ở những trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ mà bạn có được. Luôn có cách để giảm bớt chi phí mà vẫn có chuyến đi thú vị. 

Chúc bạn có những chuyến du lịch tuyệt vời!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang